Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

















 

Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền hân hạnh được đón tiếp quý khách.

 Rất mong được bạn đọc đóng góp ý kiến để tác phẩm ngày càng được nâng cao trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Xin kính chào trân trọng
 
 
 
 
______________________________________________
ẤN TƯỢNG PHÒNG TRANH TRIỂN LÃM
TRANH SƠN DẦU
CỦA HỌA SĨ CHƠN HIỀN
Ngọc Tú

Đây là lần thứ ba họa sĩ Chơn Hiền triển lãm tranh cá nhân, và lần này phòng triển lãm của anh có nhiều nét mới hơn so với hai lần trước. Nếu ở lần thứ nhất, anh tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, đất nước và con người Bình Định; lần thứ hai, anh khai thác vẻ hoang sơ, kỳ bí của vùng đất Tây Nguyên và sự hiền hòa yên ả của làng quê Việt Nam, thì ở lần thứ ba này, 35 bức tranh sơn dầu được vẽ từ những hồi ức xa xưa và những trăn trở trước các vấn nạn hiện nay của xã hội. Xem tranh, người thưởng lãm như nhìn thấu tâm can của một người họa sĩ luôn ý thức cao về nghề và nghiệp cầm cọ của mình.

1. Họa sĩ Chơn Hiền sinh năm 1962 tại thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của anh gắn liền với tiếng sáo diều vi vu những buổi trưa hè, với làn khói lam chiều, với bờ sông, bến nước, với mùi thơm của lúa trổ đồng hay nồi cơm lúa mới nấu còn nóng hôi hổi bốc hơi thơm nức mũi. Quê hương của anh cũng chính là quê ngoại của thi sĩ nổi tiếng Xuân Diệu, mà có lần ông đã bộc bạch lòng mình rằng: “Đêm ngủ ở Tuy Phước mà không ngủ/ Thức với quê hương như thế đã vừa đâu”.
Phòng tranh triển lãm lần thứ ba này anh đặt chủ đề là Hòa sắc. Tên cho chủ đề cuộc triển lãm và việc trưng bày chuyên về chất liệu sơn dầu là những nét mới so với hai lần triển lãm trước. Đặc biệt không tìm thấy hình ảnh khỏa thân nữ, duy nhất một tác phẩm vay mượn phù điêu nghệ thuật của Chăm-pa để tôn vinh di sản văn hóa dân tộc. Điều mà người xem sẽ nhận ra là Hòa sắc trong phòng tranh khá phong phú. Sự thay đổi gam màu trong mỗi tác phẩm đã dẫn dắt người xem như đang sống từ mùa xuân sang mùa hạ, từ mùa hạ sang mùa thu và mùa thu sang mùa đông.
Trong số 35 tác phẩm sơn dầu tuyển chọn (có tác phẩm đã trưng bày tại triển lãm Khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên), với nhiều kích thước lớn nhỏ, Chơn Hiền đã thể hiện thật phong phú đề tài và đa dạng cách biểu đạt. Nhưng phần lớn trong số ấy được lấy ra từ những hồi ức gắn liền với quãng đời của họa sĩ.
Những hồi ức sâu đậm về tuổi hoa niên hồn nhiên, vô tư, đã được họa sĩ đưa vào tranh một cách tự nhiên, mộc mạc, mang lại cảm giác gần gũi, chân thật với người xem. Phòng tranh lần trước ký ức về quê hương được họa sĩ phác họa đậm đặc qua hình ảnh bà mẹ quê trong chiếc áo bà ba giản dị, đứng trước hiên nhà mắt đăm đắm xa xôi như đang nhớ thương những đứa con xa xứ. Đã từ lâu, người ta gắn hình ảnh quê hương với người mẹ, như nhắc nhở người đi xa rằng: Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người. Lần này hình ảnh, bà mẹ quê được Chơn Hiền khắc họa rất đậm chất Bình Định, dễ nhận ra đó chính là một bà mẹ ở Vạn Gò Bồi, một ngôi làng nhỏ ven sông, nơi có dòng sông Gò Bồi một năm hai mùa nước: đục ngọt, mặn trong. Nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống. Nhà thơ Xuân Diệu đã tự hào viết về hai đấng sinh thành của mình: “Ông cụ đồ nho lấy cô hàng nước mắm”. Có lẽ với họa sĩ Chơn Hiền, hình ảnh người mẹ quê luôn đi liền với nghề làm nước mắm nức tiếng ấy. Chẳng thế mà tác phẩm của anh không chỉ có người mẹ mà xung quanh đó còn là những lu, tỉn dùng để muối mắm. Cái khéo của người họa sĩ “lão luyện” này là ở cách chọn bối cảnh thật phù hợp - một cái sân cát, nơi mẹ ngày hai buổi đem nước mắm ra dang, những mong khi đến tay người dùng, nước mắm sẽ thơm, ngon đúng như mong muốn của mình.
Bên cạnh nỗi nhớ về mẹ, ký ức tuổi thơ như chợt vỡ òa trong tác phẩm “Nắng trong vườn”. Điểm xuyết rất nhiều sinh hoạt của thời thơ ấu ở nông thôn này là hình ảnh những chú trâu, chú bò đang ung dung gặm cỏ, những ụ rơm vàng từng là nơi diễn ra trò chơi trốn bắt, ú tim. Và ta như nghe thấy cả tiếng mèo mướp luôn miệng meo meo trong góc bếp. Nổi lên cả là hình ảnh các em bé nông thôn hồn nhiên, vô tư chơi các trò chơi dân gian, miệng nghêu ngao hát những khúc đồng dao học lõm từ người lớn. Người thưởng lãm như bắt gặp đâu đó những hình ảnh thật thân thuộc, mà bản thân từng trải qua hoặc đã chứng kiến ở một nơi nào rồi. Bức tranh nông thôn được họa sĩ dựng lên mới hiền hòa, yên ả làm sao. Ở chốn chân quê ấy, tình cảm bạn bè gắn bó thắm thiết, con người với thiên nhiên, với vật nuôi gần gũi, quyến luyến đến nhường nào. Đó là lý do vì sao ký ức đã trôi qua hàng chục năm, nhưng vẫn còn bổi hổi bồi hồi trong lòng người nghệ sĩ luôn hướng về quê hương như anh.
Ký ức đó còn thấm đẫm những mất mát đau thương trong thời chiến và hòa cùng không khí nhộn nhịp, khẩn trương dựng xây thời bình. Ở tác phẩm “Ngày mùa”, tác giả đã chọn bối cảnh là xã Phước Thắng một cách đầy ẩn ý. Vì Phước Thắng trước kia thuộc khu Đông huyện Tuy Phước, một thời bom đạn, là nơi“quê hương chín áo một quần” đi vào ca từ của nhạc sĩ Châu Đức Khánh: “Ai qua miền khu Đông đó/ Còn nhớ chăng Phước Thắng năm nào/ Chiến công biết mấy tự hào”... còn bây giờ trong tranh là hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng, chiếc máy tuốt lúa làm việc hết công suất, cho ra những hạt thóc mây mẩy, vàng ươm, người dân hăng say lao động sản xuất, áp dụng công nghiệp hóa đem lại năng suất cao. Vết thương chiến tranh đang dần lành lặn trên những miền quê Bình Định, đời sống người dân quê ngày càng sung túc, ấm no.
Xem tranh Chơn Hiền ta thấy hồi ức về quãng đời đã qua cứ lần lượt hiện về. Từ thời thơ ấu đến những tháng năm xa nhà, khăn gói ra miền đất thần kinh học Mỹ thuật. 8 năm có thể là quãng thời gian không dài. Nhưng nếu sống ở một vùng đất trầm mặc, cổ kính, cộng với một tâm hồn nghệ sĩ đầy nhạy cảm, thì không biết bao nhiêu kỷ niệm đọng lại trong ký ức. Họa sĩ Chơn Hiền từng tâm sự: “Cái “nghiệp” cầm cọ gắn vào tôi từ cái thuở chưa hình dung ra vẽ vời là gì. Chỉ có điều mỗi khi cầm tờ báo hay cuốn sách, việc đầu tiên tôi làm là tìm xem những hình ảnh bên trong. Về sau, tôi tập tò nhại lại nét vẽ của các họa sĩ trong báo Mực tím, Tuổi hoa... Vẽ được rồi thì thấy thích lắm. Thời gian xuống Quy Nhơn học, đường từ nhà đến trường ngang qua các tiệm vẽ ở đường Lê Hồng Phong, không lần nào tôi chịu đi thẳng. Ngang qua đó, thể nào cũng phải dừng lại năm, mười phút. Có hôm đứng sững lại, mắt chăm chăm nhìn vào những bức tranh mới hoàn thành, hay mê mải đưa mắt theo tay cầm cọ điêu luyện của người họa sĩ. Mơ ước trở thành một họa sĩ theo thời gian cứ lớn dần trong tôi”.